Search

Tôi biết đến gióng và gương từ năm 3 tu...

  • Share this:

Tôi biết đến gióng và gương từ năm 3 tuổi ở lớp múa bà Toàn cung thiếu nhi, lò đào tạo các mầm non văn nghệ của Hà Nội. Lên cấp 2 thì thi vào khoa Múa trường Cao đẳng Nghệ thuật. Chiều chiều 5h30 tan học ở trường xong sẽ đạp xe từ phố Hàm Long đến số 7 Hai Bà Trưng, dọc đường có ghé vào Tràng Tiền Plaza để thay đồ tập vì chỗ này sạch sẽ sáng sủa lại có mùi nước xịt sàn thơm tho không giống nhà wc của trường. Một tuần học múa 3 buổi tối từ 6h đến 9h, mỗi buổi đều học 2 tiết là múa dân gian và múa ballet. Tôi đã luôn thích giờ ballet hơn dù học múa dân gian thì có vẻ dễ hơn và chân tay hình thể cũng được giải phóng tự do hơn nhiều.

Mãi sau này tôi mới nhận ra cái nghiện của tôi với ballet là cái nghiện kỉ luật. Tôi thích sự nghiêm khắc của nó. Lưng luôn phải thẳng, cằm phải ngẩng, vai phải hạ, ngực phải mở, bụng và mông phải hóp lại, chân phải rút lên, giữa hai chân không được có một khe hở nào cả, còn nếu lỡ thả người để lưng gù, mông vểnh, bụng phều ra thì thầy cô sẽ dùng một cái thước tét thật đau vào chỗ đó.

Tôi mê sàn gỗ, gióng gỗ, trần phòng tập cao lồng lộng. Những buổi trưa tập bài xong mệt quá nằm luôn ra sàn ngủ dưới tiếng quạt trần quay vù vù là một sự hồi sức rất sảng khoái. Mỗi phòng tập có một cây đàn piano. Ngoài thầy cô dạy múa sẽ luôn có một người đánh đàn cho bọn tôi tập chứ không dùng nhạc bật sẵn. Tôi nghiện những tiếng “Plier! Relever! Tendu! Passe!” (tên các động tác ballet cơ bản) của các thầy cô già nghiêm khắc vang lên sang sảng giữa tiếng piano nhẹ tênh của các cô giáo trẻ. Cảm giác như bao nỗi căng cơ chuột rút rối loạn tiền đình đều có thể được xoa dịu bằng những nốt piano.

Phòng tập ballet đối với tôi luôn là một thế giới của những điều xung khắc hài hòa, nơi có cả cái khắc nghiệt và cái êm ả, cái mềm mại và cái mạnh mẽ, cái thả lỏng và cái chắc chắn, cái nén và cái vươn. Tôi cũng thích vẻ đẹp của các diễn viên múa ballet và có khả năng nhận ra họ trong đời thường, vì tác phong của họ thật sự rất khác người bình thường. Họ có khuôn mặt thanh tú, trán không vướng tóc, lưng thẳng, vai xuôi, cổ cao, cằm ngẩng và miệng cười rất nhẹ nhõm. Những biểu hiện của một người con gái có vẻ sung sướng nhàn nhã đó là kết quả của tất cả những bài tập khổ đau khắc nghiệt.

Hồi mới chuyển vào Sài Gòn tôi có mang theo một đôi giày múa. Tôi đã luôn đi tìm một lớp ballet ở thành phố này để làm chỗ gửi gắm tinh thần. Luôn hiểu rằng cuộc đời mình nếu phải dừng việc nhảy múa lại là chết đi một nửa, mình sẽ bớt hạnh phúc, bớt vững vàng, bớt sáng dạ đi nhiều nếu không được sống với phòng tập, ánh đèn, âm nhạc và sân khấu. Gần đây thật mừng vì cuối cùng cũng tìm được chỗ để tập ballet. Dù cô giáo không nghiêm khắc bằng các thầy cô trong trường (tôi thích đi học ballet mà bị quát cơ các bạn ạ =))), dù trong phòng tập có đàn nhưng cô bật nhạc bằng điện thoại, vẫn vui vì được gặp lại phần nào thứ cảm giác mà mình nghiện ngập. Những ngày càng khó chịu càng cần được đi học, vì biết là lúc đứng vào gióng rồi đầu sẽ tự động xóa mọi history. Bao nhiêu trí não bận huy động hết để điều khiển cơ mông cơ đùi cơ lưng cơ bụng và mũi chân rồi còn đâu nữa.

Có một chuyện là, hồi lớp 6 mới nhập học trường Ngô Sỹ Liên, một ngôi trường điểm nằm giữa trung tâm thành phố Hà Nội nổi tiếng với thành tích vừa học giỏi vừa ăn chơi đú đởn, tôi bị mấy bạn hệ B hất hàm hỏi: “Sao con kia mặt vênh thế?”. Bạn thân tôi mới bảo không phải vênh đâu, tại bạn Thủy học múa lâu rồi nên mặt luôn ngẩng lên như thế đấy =)) Thế mà bây giờ đi tập ballet tôi toàn bị cô giáo bảo Thủy, ngẩng mặt lên, vênh cằm lên! Uôi cô không nói tôi sẽ không hề nhận ra, hiện thực cuộc sống đã hạ độ cao cằm của tôi từ biên độ của người tập ballet thành biên độ của một người biết điều sống hòa đồng với tập thể như thế đấy!!


Tags:

About author
Blog của Hương Thủy, Beauty Editor - Đẹp Magazine, đồng tác giả cuốn sách Dưỡng Da Trọn Gói
Beauty Blogger, Managing Editor của Đẹp Magazine, đồng tác giả cuốn sách "Dưỡng da trọn gói"
View all posts